[Đầu tư #4] Nguồn gốc của đầu cơ. Phân biệt giữa đầu tư và đầu cơ.

            Trước nay đều có rất nhiều người bàn luận về vấn đề phân biệt đầu tư và đầu cơ. Nhân đây cũng xin mạn phép luận bàn một chút về vấn đề này cho tư liệu chung thêm phần phong phú.

            Trước tiên, cần phải khẳng định rằng, đầu tư hay đầu cơ ở đây đều mang nghĩa hẹp. Nếu nói đến nghĩa rộng của đầu tư, thì lại luôn bao hàm cả đầu cơ mất rồi. Xin điểm qua một vài định nghĩa về đầu tư theo nghĩa rộng, như sau:

            “Đầu tư là hy sinh tiêu dùng hôm nay để kỳ vọng tiêu dùng trong tương lai”.

            “Đầu tư là việc bỏ vốn nhằm tạo ra lợi nhuận”.

            “Đầu tư là việc bỏ vốn nhằm tạo ra tiềm lực lớn hơn”.

            Một định nghĩa khác có vẻ thu hẹp hơn, nhắc đến việc đầu tư mang lại lợi ích cho cả nhà đầu tư & nền kinh tế, như sau:

            “Đầu tư là việc sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế để tạo ra những lợi ích cho nhà đầu tư & cho nền kinh tế quốc dân”.

            Tại sao lại nói định nghĩa này thu hẹp hơn? Vì định nghĩa này có vẻ như loại trừ khái niệm đầu cơ, vì đầu cơ thường được quan niệm mang lại lợi ích cho nhà đầu tư (tạm gọi là nhà đầu tư – theo nghĩa rộng) nhưng lại không mang lại lợi ích cho nền kinh tế quốc dân.

            Về nhận định rằng: đầu cơ không mang lại lợi ích cho nền kinh tế, theo tác giả, có phần chưa được chính xác lắm. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, ta cần phải hiểu rằng, đầu cơ xuất phát từ đâu?

            Xin mạn phép khẳng định:

Đầu cơ xuất phát từ sự gián đoạn trong quan hệ mua – bán.

            Như ta đã biết, từ xa xưa cho đến tận bây giờ, quan hệ mua – bán chẳng bao giờ là không gián đoạn. Chính vì điều đó nên mới xuất hiện tư bản thương nhân – làm nhiệm vụ trung chuyển hàng hóa giữa người bán & người mua. Đơn giản nhất, rõ nét nhất là hình ảnh con buôn hay xuất hiện trong phim cổ trang của Tàu. Những người này như con thoi mua đi rồi lại bán lại, hưởng chênh lệch về giá. Chính vì là nhân tố trung gian nên người này có thể găm hàng, tạo khan hiếm để đẩy giá lên cao hoặc làm sai lệch đi giá của hàng hóa khi đến tay người mua. Đây là những nhà đầu cơ thành hình đầu tiên trong các nhà đầu cơ. Như vậy, có thể khẳng định:

“Nhà đầu cơ là những người trục lợi từ sự gián đoạn trong quan hệ mua – bán”.

            Xin lấy một ví dụ ngày nay, chẳng hạn trong lĩnh vực mua – bán cổ phiếu. Nhà đầu cơ cổ phiếu là người như thế nào? Theo định nghĩa này, nhà đầu cơ cổ phiếu là người ngay từ đầu đã có ý định mua cổ phiếu của người này để bán cho người khác với mức giá cao hơn, nhằm hưởng sự chênh lệch về giá. Xin nhấn mạnh rằng, mục đích của người này, ngay từ đầu đã là mua để bán – giống như những tư bản thương nhân – hay thời xưa là con buôn – như ví dụ ở trên vậy.

Như vậy, theo tác giả, đa phần các “nhà đầu tư” cổ phiếu nhỏ lẻ của Việt Nam đều là những nhà đầu cơ vì theo quan sát, hầu hết ngay từ đầu, những “nhà đầu tư” này đã có trong mình ý định mua cổ phiếu ở mức giá này & bán ở mức giá cao hơn để hưởng chênh lệch. Các nhà đầu tư đúng nghĩa xuất hiện nhiều hơn ở các tầng lớp các nhà đầu tư có tiềm lực. Họ thường mua & nắm giữ cổ phiếu, một phần là vì cổ tức, phần quan trọng hơn là muốn nắm quyền sở hữu ngày càng nhiều trong một doanh nghiệp cổ phần. Bản thân những người này, ban đầu, ý định mua để bán hoặc là không có, hoặc là rất hời hợt.

            Giờ đây, nguồn gốc của đầu cơ có lẽ đã hiện lên khá rõ ràng. Thế nên chúng ta hãy quay trở về xem xét nhận định: đầu cơ không mang lại lợi ích cho nền kinh tế, xem có chính xác hay không?

            Bản thân tác giả, trong định nghĩa về nhà đầu cơ, đã dùng từ mang nghĩa khá tiêu cực là: trục lợi. Hầu hết mọi người, khi nghe đến 2 từ “đầu cơ” đã thấy hiện ra trong đầu 2 từ “xấu xa” – chỉ biết làm lợi cho mình mà lại làm hại đến người khác, còn 2 từ “đầu tư” nghe ra lại đầy vẻ “cao cả” – vừa vì mình, lại vừa giúp đất nước phát triển.

            Rõ ràng, hành vi đầu cơ làm méo mó quan hệ mua – bán trên thị trường. Nhưng ta cũng cần biết rằng, đầu cơ xuất phát từ sự gián đoạn trong quan hệ mua – bán. Sự gián đoạn này cần có một lực lượng đứng ra làm trung gian, đó là tư bản thương nhân. Nếu không có lực lượng này thì lưu thông hàng hóa sẽ liên tục bị gián đoạn, điều này sẽ làm xuất hiện tình trạng “nơi cần thì không có, nơi có thì không cần”, người cần chẳng tìm được người có, hay như ngôn ngữ hiện đại là “cung cầu không gặp nhau” mặc dù có đầy đủ hàng hóa, nguồn lực xã hội theo đó mà bị lãng phí rất lớn. Vấn đề là, bản thân tư bản thương nhân làm trung gian giữa người mua & người bán, đã nắm trong tay mình quyền đầu cơ kiếm lời rồi. Vì vậy, có thể nói, hành vi đầu cơ luôn gắn liền với tư bản thương nhân, chỉ là họ có muốn dùng cái quyền đó hay không thôi. Hay nói cách khác, tư bản thương nhân có thể không phải là nhà đầu cơ, nhưng nhà đầu cơ thì chắc chắn là tư bản thương nhân. Ở thời hiện đại ngày nay cũng vậy, người đầu cơ cổ phiếu thực ra cũng là một nhân tố duy trì thanh khoản, đồng thời đẩy nhanh tốc độ lưu thông cổ phiếu trên thị trường. Vai trò của họ tương tự như những nhà tư bản thương nhân.

            Tóm lại, nhà đầu cơ cũng mang trong mình cái sứ mệnh riêng có của mình đối với nền kinh tế này, đối với cuộc sống này. Họ cũng có mặt tiêu cực, cũng có mặt tích cực, chẳng qua là mặt tiêu cực thì dễ dàng nhận thấy hơn thôi. Cũng xin đừng ảo tưởng rằng, tất cả tư bản thương nhân sẽ trở thành những người có đạo đức, chỉ trung chuyển hàng hóa và nhận tiền công, vì như thế sẽ chẳng có mấy ai làm công việc này cả.

            Còn về định nghĩa về nhà đầu tư ư? Đơn giản thôi, những ai bỏ vốn ra nhằm kiếm lợi nhuận, mà không phải nhà đầu cơ, thì là nhà đầu tư. Còn nhà đầu cơ là gì, chắc đến đây bạn cũng đã rõ.

gakinhte.wordpress.com

Bình luận về bài viết này