Category Archives: Tản mạn về Đầu tư

[Đầu tư #5] Các phương pháp thẩm định dự án đầu tư.

            Khi tiến hành làm bất cứ điều gì, điều tiên quyết nhất phải là tìm ra phương pháp thích hợp để làm việc đó. Công tác thẩm định dự án đầu tư cũng như vậy, muốn kết quả thẩm định tốt – bạn phải lựa chọn phương pháp thẩm định tốt.

            Nhiều bạn vẫn còn mông lung chưa hiểu phương pháp là gì. Theo wiktionary.org thì phương pháp là lề lối & cách thức phải theo để tiến hành công việc với kết quả tốt nhất. Bùi Kỷ – nhà giáo dục – nhà văn hóa nổi tiếng đã nói: “Học mà không có phương pháp thì dầu giùi mài hết năm, hết đời cũng chỉ mất công không.”. Xin nhấn mạnh rằng, phương pháp đi sâu vào cách thức chứ không đi sâu vào nội dung.

            Công tác thẩm định dự án đầu tư thường được tiến hành thông qua 5 phương pháp chính. Mỗi phương pháp thể hiện một cách thức tiếp cận riêng, hàm chứa phương thức vận dụng riêng, có ưu điểm & khuyết điểm riêng. Sau đây là tài liệu mà mình sưu tầm từ các bạn sinh viên khoa Đầu tư – ĐHKTQD, các bạn ấy đã tổng hợp lại khá ngắn gọn, đầy đủ & dễ hiểu.

1. Phương pháp thẩm định trình tự.

Nội dung: Thẩm định dự án theo trình tự được tiến hành theo một trình tự từ tổng quát đến chi tiết, kết luận trước làm tiền đề cho kết luận sau.

+ Thẩm định tổng quát: Là việc xem xét một cách khái quát các nội dung cần thẩm định của dự án, qua đó đánh giá một cách chung nhất tính đầy đủ, phù hợp & hợp lý của dự án. Thẩm định tổng quát cho phép hình dung khái quát về dự án, các vấn đề chủ yếu của dự án, mục tiêu, các giải pháp chủ yếu, những lợi ích cơ bản. Từ đó hình dung ra quy mô, tầm cỡ của dự án, dự án liên quan đến đơn vị nào, bộ phận nào, ngành nào, bộ phận nào là chính… Thẩm định tổng quát là cơ sở, căn cứ để tiến hành các bước thẩm định tiếp theo.

+ Thẩm định chi tiết: Được tiến hành sau thẩm định tổng quát. Việc thẩm định này được tiến hành tỉ mỉ, chi tiết cho từng nội dung cụ thể của dự án, từ việc thẩm định các điều kiện pháp lý đến việc thẩm định thị trường, kỹ thuật, tổ chức quản lý, tài chính, kinh tế xã hội của dự án. Yêu cầu của việc thẩm định chi tiết là theo từng nội dung đầu tư bắt buộc phải có ý kiến nhận xét, kết luận, đồng ý, không đồng ý, nêu rõ những gì cần phải bổ sung, sửa đổi. Tuy nhiên, mức độ tập trung khác nhau đối với từng nội dung tùy thuộc vào đặc điểm của dự án & tình hình thực tế khi tiến hành thẩm định.

Ưu điểm:

+ Đơn giản, dễ thực hiện.

+ Có cái nhìn tổng quan về dự án cần thẩm định.

+ Có thể loại bỏ dự án mà không cần đi vào các nội dung tiếp theo.

Nhược điểm:

+ Dễ áp dụng dập khuôn máy móc.

Điều kiện áp dụng: Thẩm định các điều kiện pháp lý, thẩm định thị trường, thẩm định kỹ thuật, thẩm định tổ chức quản lý, thẩm định tài chính, thẩm định kinh tế xã hội của dự án.

2. Phương pháp so sánh, đối chiếu các chỉ tiêu.

Nội dung: So sánh, đối chiếu các nội dung dự án với các chuẩn mực luật pháp quy định, các tiêu chuẩn, các định mức kinh tế kỹ thuật thích hợp, thông lệ trong nước & quốc tế, kinh nghiệm thực tế, từ đó phân tích & so sánh để lựa chọn phương án tối ưu. Phương pháp này được tiến hành theo một số các chỉ tiêu như sau:

+ Tiêu chuẩn thiết kế, xây dựng, tiêu chuẩn về cấp công trình do Nhà nước quy định hoặc điều kiện tài chính mà dự án có thể chấp nhận được.

+ Tiêu chuẩn về công nghệ, thiết bị trong quan hệ chiến lược đầu tư công nghệ quốc gia, quốc tế.

+ Tiêu chuẩn đối với loại sản phẩm của dự án mà thị trường đòi hỏi.

+ Các chỉ tiêu tổng hợp như: cơ cấu vốn đầu tư, suất đầu tư…

+ Các định mức về sản xuất, tiêu hao năng lượng, nguyên liệu, nhân công, tiền lương, chi phí quản lý… của ngành theo định mức kinh tế – kỹ thuật chính thức hoặc các chỉ tiêu kế hoạch & thực tế.

+ Các chỉ tiêu về hiệu quả đầu tư.

+ Các tỷ lệ tài chính doanh nghiệp phù hợp với hướng dẫn hiện hành của nhà nước, của ngành đối với từng loại hình doanh nghiệp.

Ưu điểm:

+ Đây là phương pháp phổ biến, đáp ứng tốt các yêu cầu thẩm định nên được sử dụng nhiều trong thực tế.

+ Giúp cho việc đánh giá tính hợp lý & chính xác về các chỉ tiêu của dự án. Từ đó rút ra kết luận chính xác về dự án, là cơ sở để ra quyết định đầu tư.

Nhược điểm:

+ Nhược điểm đầu tiên chính nằm ở hệ thống các chỉ tiêu để làm cơ sở so sánh & đối chiếu. Việc xác định hệ thống các chỉ tiêu này với một dự án cụ thể đòi hòi trình độ thẩm định cao & có khá nhiều kinh nghiệm thực tế. Hơn nữa, hệ thống chỉ tiêu này không thể sử dụng một cách máy móc mà phải được điều chỉnh linh hoạt & phù hợp với từng dự án cụ thể.

+ Quy trình thẩm định phải tính toán phức tạp, đòi hỏi độ chính xác cao.

Điều kiện áp dụng:

+ Phương pháp thẩm định này áp dụng cho các dự án mang nặng tính kỹ thuật, có các số liệu cụ thể phục vụ cho việc tính toán.

+ Áp dụng đối với thẩm định khía cạnh pháp lý, kỹ thuật, tài chính.

3. Phương pháp phân tích độ nhạy.

            Phương pháp này được dùng để đánh giá được độ an toàn và kiểm tra tính vững chắc của các kết quả tính toán trước sự biến đổi của các yếu tố khách quan có thể xảy ra trong quá trình thực hiện dự án, cần phải tiến hành phân tích độ nhạy của dự án.

Nội dung:

            Phân tích độ nhạy của dự án là xem xét sự thay đổi các chỉ tiêu hiệu quả tài chính khi các yếu tố có liên quan đến chỉ tiêu đó thay đổi. Phân tích độ nhạy nhằm xem xét mức độ nhạy cảm của dự án đối với sự biến động của các yếu tố liên quan.

            Phân tích độ nhạy giúp chủ đầu tư biết được dự án nhạy cảm với những yếu tố nào, hay nói cách khác, yếu tố nào gây lên sự thay đổi nhiều nhất của chỉ tiêu hiệu quả để từ đó có biện pháp quản lý chúng trong quá trình thực hiện dự án.

Các phương pháp phân tích độ nhạy:

+ Phương pháp 1: Phân tích ảnh hưởng của từng yếu tố liên quan đến chỉ tiêu hiệu quả tài chính nhằm tìm ra yếu tố gây lên sự nhạy cảm lớn của chỉ tiêu hiệu quả xem xét.

+ Phương pháp 2: Phân tích ảnh hưởng của đồng thời nhiều yếu tố đến chỉ tiêu hiệu quả tài chính để đánh giá mức độ an toàn của dự án.

+ Phương pháp 3: Cho các yếu tố có liên quan đến chỉ tiêu hiệu quả tài chính thay đổi trong giới hạn thị trường mà nhà đầu tư & nhà quản lý dự án chấp nhận được.

+ Phương pháp 4: Sử dụng độ lệch chuẩn, hệ số biến thiên để phân tích độ nhạy.

Ưu điểm:

+ Cho phép lựa chọn được những dự án có độ an toàn cao.

+ Xác định được hiệu quả của dự án trong điều kiện biến động của các yếu tố có liên quan đến chỉ tiêu hiệu quả tài chính. Phương pháp này thường được dùng để kiểm tra tính vững chắc về hiệu quả tài chính của dự án khi có những tình huống bất lợi có thể xảy ra. Sau đó, khảo sát sự thay đổi hiệu quả của dự án thông qua các chỉ tiêu chủ yếu như NPV (giá trị hiện tại ròng), IRR (hệ số hoàn vốn nội bộ), T (thời gian thu hồi vốn), khả năng hòa vốn… Từ đó đưa ra kết luận về tính vững chắc & ổn định của dự án, làm cơ sở cho việc đề xuất những biện pháp quản lý & phòng ngừa những rủi ro nhằm đảm bảo tính khả thi của dự án.

+ Dự kiến được những tình huống bất trắc trong tương lai có thể xảy ra.

+ Giúp việc xử lý số liệu dễ dàng hơn chỉ đơn giản bằng cách thay đổi một biến số vào một thời điểm.

+ Không đòi hỏi ước tính xác suất.

+ Tập trung vào 1 hoặc 2 biến.

+ Biết rõ nguồn lực nào là quan trọng khi tham gia vào quá trình sản xuất.

+ Trong trường hợp nguồn lực có hạn, phương pháp này giúp chủ đầu tư biết lựa chọn đầu tư cho yếu tô nào ở mức độ nào nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư.

Nhược điểm:

+ Điểm bắt đầu độ nhạy là những giả định.

+ Chỉ xem xét từng tham số trong khi kết quả lại chịu tác động của nhiều tham số cùng một lúc. Nếu sử dụng thay đổi nhiều tham số cùng lúc thì lại khó khăn trong việc giả định sự thay đổi do bản thân các tham số cũng có những mối liên hệ với nhau.

+ Không có xác suất của kết quả cuối cùng.

+ Giới hạn trong sự tương tác của các biến.

+ Khó khăn đối với chuỗi quyết định.

Vận dụng trong thực tế:

+ Phương pháp này thường dùng trong các dự án lớn, phức tạp & các dự án có hiệu quả cao hơn mức bình thường nhưng có nhiều yếu tố thay đổi do khách quan. Đây là một phương pháp hiện đại được áp dụng trong đánh giá hiệu quả tài chính dự án đầu tư.

+ Chỉ đánh giá khi đã có kết quả dự báo làm cơ sở.

4. Phương pháp dự báo.

            Phương pháp dự báo xuất phát từ đặc điểm của hoạt động đầu tư phát triển là hoạt động mang tính chất lâu dài từ giai đoạn chuẩn bị đến khi đưa vào vận hành kết quả đầu tư, do đó cần phải tiến hành dự báo.

Nội dung: Phương pháp dự báo sử dụng các số liệu điều tra thống kê & vận dụng phương pháp dự báo thích hợp để thẩm định, kiểm tra cung cầu về sản phẩm của dự án, thiết bị, nguyên vật liệu và các đầu vào khác… ảnh hưởng trực tiếp đến tính khả thi của dự án.

Các phương pháp dự báo:

+ Phương pháp sử dụng hệ số co giãn của cầu.

+ Phương pháp lấy ý kiến chuyên gia.

+ Phương pháp định mức.

+ Phương pháp ngoại suy thống kê.

+ Phương pháp mô hình hồi quy tương quan.

Ưu điểm:

            Làm tăng tính chính xác của các quyết định đánh giá tính khả thi của dự án trong quá trình thẩm định.

Nhược điểm:

+ Quy trình thẩm định dự án đầu tư theo phương pháp dự báo thiếu những căn cứ khoa học & hệ thống để dự báo.

+ Tốn thời gian & chi phí thực hiện cao: chi phí để tiến hành điều tra lấy số liệu thống kê, chi phí thuê chuyên gia phân tích.

+ Độ rủi ro cao: dự báo có thể không chính xác do thiếu thông tin hoặc do thay đổi bất thường của nền kinh tế.

+ Kết quả thẩm định dễ mang tính chủ quan của người dự báo.

Vận dụng trong thực tế:

            Phương pháp dự báo thích hợp khi thẩm định khía cạnh thị trường, thẩm định công nghệ, thẩm định tài chính của dự án.

5. Phương pháp triệt tiêu rủi ro.

Nội dung:

            Do dự án là một tập hợp các yếu tố dự kiến trong tương lai nên từ khi thực hiện dự án đến khi đi vào khai thác, thời gian hoàn vốn thường rất dài và có nhiều rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện dự án. Rủi ro được định nghĩa là một biến cố trong tương lai có khả năng xảy ra & sẽ ảnh hưởng đến dự án. Để đảm bảo dự án được hoàn thành và đi vào hoạt động hiệu quả, phải dự đoán được những rủi ro có thể xảy ra để từ đó có biện pháp phòng ngừa & hạn chế tối đa tác động mà rủi ro đó gây ra, hoặc phân tán rủi roc ho các đối tác liên quan đến dự án.

            Thông thường, rủi ro được phân ra làm hai giai đoạn:

Giai đoạn thực hiện dự án:

+ Rủi ro chậm tiến độ thi công.

+ Rủi ro vượt tổng mức đầu tư.

+ Rủi ro về cung cấp dịch vụ kỹ thuật – công nghệ không đúng tiến độ, chất lượng không đảm bảo.

+ Rủi ro về tài chính như thiếu vốn, giải ngân không đúng tiến độ.

+ Rủi ro bất khả kháng như các rủi ro do điều kiện tự nhiên bất lợi, hoàn cảnh chính trị – xã hội khó khăn.

Giai đoạn sau khi dự án đi vào hoạt động

+ Rủi ro về cung cấp các yếu tố đầu vào không đầy đủ, không đúng tiến độ.

+ Rủi ro về tài chính như thiếu vốn kinh doanh.

+ Rủi ro trong khâu quản lý dự án.

+ Rủi ro bất khả kháng như rủi ro về tài sản và con người như hỏa hoạn, lũ quét…

Ưu điểm:

+ Giúp doanh nghiệp tránh được những rủi ro thường gặp khi thực hiện đầu tư, nhờ đó nâng cao sự ổn định & chắc chắn của dự án.

+ Giúp hoàn thiện dự án & đảm bảo tính khả thi khi thực hiện dự án.

+ Là cơ sở để ngân hàng, các đơn vị tài trợ vốn… có được sự tin tưởng khi quyết định đầu tư vào dự án.

Nhược điểm:

+ Chưa nhận biết được hiết các rủi ro có thể xảy ra với dự án trước & sau khi đi vào hoạt động.

+ Do phải xem xét, kiểm tra & dự phòng khá nhiều tình huốn rủi ro trước khi thực hiện dự án nên sẽ rất mất thời gian tiến hành, tốn kém về chi phí & con người.

Áp dụng trong thực tế:

            Phương pháp này áp dụng đối với những dự án xây dựng lớn, quan trọng, cần đảm bảo tính an toàn & hiệu quả đầu tư cao. Những dự án chịu sự tác động của các yếu tố bên ngoài: điều kiện thời tiết, giá nguyên vật liệu tăng…

 gakinhte.wordpress.com

[Đầu tư #4] Nguồn gốc của đầu cơ. Phân biệt giữa đầu tư và đầu cơ.

            Trước nay đều có rất nhiều người bàn luận về vấn đề phân biệt đầu tư và đầu cơ. Nhân đây cũng xin mạn phép luận bàn một chút về vấn đề này cho tư liệu chung thêm phần phong phú.

            Trước tiên, cần phải khẳng định rằng, đầu tư hay đầu cơ ở đây đều mang nghĩa hẹp. Nếu nói đến nghĩa rộng của đầu tư, thì lại luôn bao hàm cả đầu cơ mất rồi. Xin điểm qua một vài định nghĩa về đầu tư theo nghĩa rộng, như sau:

            “Đầu tư là hy sinh tiêu dùng hôm nay để kỳ vọng tiêu dùng trong tương lai”.

            “Đầu tư là việc bỏ vốn nhằm tạo ra lợi nhuận”.

            “Đầu tư là việc bỏ vốn nhằm tạo ra tiềm lực lớn hơn”.

            Một định nghĩa khác có vẻ thu hẹp hơn, nhắc đến việc đầu tư mang lại lợi ích cho cả nhà đầu tư & nền kinh tế, như sau:

            “Đầu tư là việc sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế để tạo ra những lợi ích cho nhà đầu tư & cho nền kinh tế quốc dân”.

            Tại sao lại nói định nghĩa này thu hẹp hơn? Vì định nghĩa này có vẻ như loại trừ khái niệm đầu cơ, vì đầu cơ thường được quan niệm mang lại lợi ích cho nhà đầu tư (tạm gọi là nhà đầu tư – theo nghĩa rộng) nhưng lại không mang lại lợi ích cho nền kinh tế quốc dân.

            Về nhận định rằng: đầu cơ không mang lại lợi ích cho nền kinh tế, theo tác giả, có phần chưa được chính xác lắm. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, ta cần phải hiểu rằng, đầu cơ xuất phát từ đâu?

            Xin mạn phép khẳng định:

Đầu cơ xuất phát từ sự gián đoạn trong quan hệ mua – bán.

            Như ta đã biết, từ xa xưa cho đến tận bây giờ, quan hệ mua – bán chẳng bao giờ là không gián đoạn. Chính vì điều đó nên mới xuất hiện tư bản thương nhân – làm nhiệm vụ trung chuyển hàng hóa giữa người bán & người mua. Đơn giản nhất, rõ nét nhất là hình ảnh con buôn hay xuất hiện trong phim cổ trang của Tàu. Những người này như con thoi mua đi rồi lại bán lại, hưởng chênh lệch về giá. Chính vì là nhân tố trung gian nên người này có thể găm hàng, tạo khan hiếm để đẩy giá lên cao hoặc làm sai lệch đi giá của hàng hóa khi đến tay người mua. Đây là những nhà đầu cơ thành hình đầu tiên trong các nhà đầu cơ. Như vậy, có thể khẳng định:

“Nhà đầu cơ là những người trục lợi từ sự gián đoạn trong quan hệ mua – bán”.

            Xin lấy một ví dụ ngày nay, chẳng hạn trong lĩnh vực mua – bán cổ phiếu. Nhà đầu cơ cổ phiếu là người như thế nào? Theo định nghĩa này, nhà đầu cơ cổ phiếu là người ngay từ đầu đã có ý định mua cổ phiếu của người này để bán cho người khác với mức giá cao hơn, nhằm hưởng sự chênh lệch về giá. Xin nhấn mạnh rằng, mục đích của người này, ngay từ đầu đã là mua để bán – giống như những tư bản thương nhân – hay thời xưa là con buôn – như ví dụ ở trên vậy.

Như vậy, theo tác giả, đa phần các “nhà đầu tư” cổ phiếu nhỏ lẻ của Việt Nam đều là những nhà đầu cơ vì theo quan sát, hầu hết ngay từ đầu, những “nhà đầu tư” này đã có trong mình ý định mua cổ phiếu ở mức giá này & bán ở mức giá cao hơn để hưởng chênh lệch. Các nhà đầu tư đúng nghĩa xuất hiện nhiều hơn ở các tầng lớp các nhà đầu tư có tiềm lực. Họ thường mua & nắm giữ cổ phiếu, một phần là vì cổ tức, phần quan trọng hơn là muốn nắm quyền sở hữu ngày càng nhiều trong một doanh nghiệp cổ phần. Bản thân những người này, ban đầu, ý định mua để bán hoặc là không có, hoặc là rất hời hợt.

            Giờ đây, nguồn gốc của đầu cơ có lẽ đã hiện lên khá rõ ràng. Thế nên chúng ta hãy quay trở về xem xét nhận định: đầu cơ không mang lại lợi ích cho nền kinh tế, xem có chính xác hay không?

            Bản thân tác giả, trong định nghĩa về nhà đầu cơ, đã dùng từ mang nghĩa khá tiêu cực là: trục lợi. Hầu hết mọi người, khi nghe đến 2 từ “đầu cơ” đã thấy hiện ra trong đầu 2 từ “xấu xa” – chỉ biết làm lợi cho mình mà lại làm hại đến người khác, còn 2 từ “đầu tư” nghe ra lại đầy vẻ “cao cả” – vừa vì mình, lại vừa giúp đất nước phát triển.

            Rõ ràng, hành vi đầu cơ làm méo mó quan hệ mua – bán trên thị trường. Nhưng ta cũng cần biết rằng, đầu cơ xuất phát từ sự gián đoạn trong quan hệ mua – bán. Sự gián đoạn này cần có một lực lượng đứng ra làm trung gian, đó là tư bản thương nhân. Nếu không có lực lượng này thì lưu thông hàng hóa sẽ liên tục bị gián đoạn, điều này sẽ làm xuất hiện tình trạng “nơi cần thì không có, nơi có thì không cần”, người cần chẳng tìm được người có, hay như ngôn ngữ hiện đại là “cung cầu không gặp nhau” mặc dù có đầy đủ hàng hóa, nguồn lực xã hội theo đó mà bị lãng phí rất lớn. Vấn đề là, bản thân tư bản thương nhân làm trung gian giữa người mua & người bán, đã nắm trong tay mình quyền đầu cơ kiếm lời rồi. Vì vậy, có thể nói, hành vi đầu cơ luôn gắn liền với tư bản thương nhân, chỉ là họ có muốn dùng cái quyền đó hay không thôi. Hay nói cách khác, tư bản thương nhân có thể không phải là nhà đầu cơ, nhưng nhà đầu cơ thì chắc chắn là tư bản thương nhân. Ở thời hiện đại ngày nay cũng vậy, người đầu cơ cổ phiếu thực ra cũng là một nhân tố duy trì thanh khoản, đồng thời đẩy nhanh tốc độ lưu thông cổ phiếu trên thị trường. Vai trò của họ tương tự như những nhà tư bản thương nhân.

            Tóm lại, nhà đầu cơ cũng mang trong mình cái sứ mệnh riêng có của mình đối với nền kinh tế này, đối với cuộc sống này. Họ cũng có mặt tiêu cực, cũng có mặt tích cực, chẳng qua là mặt tiêu cực thì dễ dàng nhận thấy hơn thôi. Cũng xin đừng ảo tưởng rằng, tất cả tư bản thương nhân sẽ trở thành những người có đạo đức, chỉ trung chuyển hàng hóa và nhận tiền công, vì như thế sẽ chẳng có mấy ai làm công việc này cả.

            Còn về định nghĩa về nhà đầu tư ư? Đơn giản thôi, những ai bỏ vốn ra nhằm kiếm lợi nhuận, mà không phải nhà đầu cơ, thì là nhà đầu tư. Còn nhà đầu cơ là gì, chắc đến đây bạn cũng đã rõ.

gakinhte.wordpress.com

[Đầu tư #3] Đa dạng hóa danh mục đầu tư & nhà độc tài thông thái.

            Tại sao lại phải đa dạng hóa danh mục đầu tư? Ai cũng biết đó là để giảm thiểu rủi ro. Vấn đề là tại sao đa dạng hóa danh mục đầu tư lại giúp giảm thiểu rủi ro? Và tại sao Warren Buffet & Geogre Soros lại không bao giờ đa dạng hóa danh mục đầu tư mà vẫn trở thành những nhà đầu tư huyền thoại? Chúng ta hãy cùng đi tìm câu trả lời.

            Nhiều người lầm tưởng cứ “không cho nhiều trứng vào cùng một giỏ” là đa dạng hóa danh mục đầu tư. Câu nói đó chỉ đúng đối với chiều ngược lại. Đa dạng hóa danh mục đầu tư nhất thiết là “không cho nhiều trứng vào cùng một giỏ”, nhưng “không cho nhiều trứng vào cùng một giỏ” chỉ là điều kiện cần. Hình ảnh quả trứng chỉ là một hình ảnh ví von. “ “Trứng” khoán ” rõ ràng khác rất nhiều so với “trứng chợ”.

            Vậy điều kiện đủ ở đây là gì? Đó là phải chọn đúng những “quả trứng” phù hợp để cùng đặt vào một “giỏ”. Người ta gọi công việc này là quản lý danh mục đầu tư dựa trên rủi ro. Để hiểu được vấn đề này, hãy cùng tìm hiểu một chút về phân loại rủi ro.

            Rủi ro thường được chia ra làm 2 loại: rủi ro công ty & rủi ro thị trường.

            Rủi ro công ty là tập hợp những rủi ro chỉ gây ảnh hưởng đến một tập hợp nhỏ các công ty, hoặc thậm chí phạm vi ảnh hưởng chỉ trong nội bộ một công ty. Loại rủi ro này thường có 3 loại, đó là: rủi ro dự đoán, rủi ro cạnh tranh & rủi ro khu vực. Rủi ro dự đoán là loại rủi ro bắt đầu bằng việc công ty đánh giá sai nhu cầu của khách hàng đối với một sản phẩm. Chẳng hạn, một công ty sản xuất ô tô quyết định sản xuất một loại xe thể thao đa dụng S.U.V mới & đánh giá rằng nhu cầu về sản phẩm này trên thị trường là rất lớn. Nếu việc đánh giá nhu cầu này là sai thì rõ ràng công ty sẽ chịu thiệt hại không nhỏ, còn những công ty khác trên thị trường hầu như không chịu tác động đáng kể nào. Rủi ro cạnh tranh là những rủi ro có thể phát sinh từ việc các đối thủ mạnh hơn hoặc yếu hơn dự tính. Ví dụ, hai công ty ô tô Vinaxuki & Trường Hải đang cạnh tranh để giành được một đơn hàng xe tải từ công ty vận tải Toàn Việt. Khả năng giành được hợp đồng của Vinaxuki sẽ là rủi ro tiềm tàng cho Trường Hải. Rủi ro khu vực là những rủi ro tác động lên toàn bộ một lĩnh vực nhưng chỉ giới hạn trong lĩnh vực đó. Ví dụ, ngân sách Nhà nước eo hẹp là tiền đề cắt giảm đầu tư công, như vậy, các công ty xây dựng & vật liệu xây dựng sẽ là những công ty chịu ảnh hưởng nặng nề nhưng lại không ảnh hưởng đáng kể đến các lĩnh vực khác.

            Rủi ro thị trường là loại rủi ro có tốc độ lây lan cao & tác động đến mọi nhà đầu tư, mọi lĩnh vực đầu tư. Tăng lãi suất là một ví dụ điển hình.

            Đa dạng hóa danh mục đầu tư là phương pháp phổ biến trong quản lý danh mục đầu tư để loại bỏ một phần rủi ro công ty. Tại sao? Vì như ta đã đề cập, rủi ro công ty là tập hợp những rủi ro chỉ gây ảnh hưởng đến một tập hợp nhỏ các công ty, hoặc thậm chí phạm vi ảnh hưởng chỉ trong nội bộ một công ty. Do vậy, nếu ngoài việc đầu tư vào một công ty ở lĩnh vực này, ta đồng thời đầu tư vào một công ty ở lĩnh vực khác thì rõ ràng, khi rủi ro công ty xảy ra đối với khoản đầu tư này, thì với khoản đầu tư khác, nó lại không bị ảnh hưởng. Cứ như thế, ta càng đa dạng hóa danh mục đầu tư lên thì ảnh hưởng từ rủi ro công ty đến toàn bộ danh mục đầu tư sẽ ngày càng giảm xuống.

            Nguyên lý là như vậy, nhưng áp dụng nó cần phải có cơ sở khoa học. Thường thì người ta áp dụng các tính toán trong thống kê để thực hiện công việc này. Cụ thể, người ta tìm độ sai lệch giữa lợi nhuận kỳ vọng & lợi nhuận thực tế của một khoản đầu tư bằng cách tính phương sai của chúng. Phương sai lúc này phản ánh mức độ rủi ro của một khoản đầu tư. Sau đó, ta tính hiệp phương sai đối với tất cả các khoản đầu tư ta cho rằng nên đầu tư. Hiệp phương sai lúc này phản ánh mức độ rủi ro của toàn bộ danh mục đầu tư. Cuối cùng, ta tiến hành loại bỏ một số khoản mục đầu tư để hiệp phương sai nhỏ một cách phù hợp.

            Đó chính là điều kiện đủ để quản lý danh mục đầu tư bằng phương pháp đa dạng hóa danh mục đầu tư.

            Vậy tại sao Warren Buffet & Geogre Soros lại cho rằng, đa dạng hóa danh mục đầu tư là trò chơi dành cho những kẻ tầm thường & nhút nhát?

            Những nhà đầu tư như Warren Buffet & Geogre Soros giống như những nhà độc tài, họ luôn luôn chỉ tập trung vào một vài thương vụ họ cho là ngon ăn nhất. Một nhà độc tài giống như một vị vua trong đất nước của họ vậy. Vua anh minh thì đất nước cực kỳ phát triển. Vua ngu dốt thì nhân dân lầm than. Thế mới có chuyện oái oăm rằng, “ông vua” Triều Tiên Kim Jong-Un bắt thanh niên nước này phải để “kiểu tóc Kim Jong-Un”. Theo ý đó, các nhà đầu tư không đa dạng hóa danh mục đầu tư cũng có 2 loại, một là nhà độc tài thông thái, hai là nhà độc tài ngu dốt. Những nhà độc tài thông thái này khiến tiền của họ không ngừng phát triển. Còn những nhà độc tài ngu dốt thì sớm muộn gì cũng sẽ tự đẩy họ vào chân tường chừng nào họ chưa biết mình phải dừng lại. Mà trên đời này, nhà độc tài thông thái thì ít, mà nhà độc tài ngu dốt thì nhiều.

            Nếu coi rằng, giao dịch trên thị trường thứ cấp là một trò chơi tổng bằng 0, tiền từ túi ông này lại chuyển vào túi ông kia, thì chính những nhà độc tài ngu dốt – họ đang chuyển những khoản tiền của mình vào trong tủi những nhà độc tài thông thái.

            Vậy còn những người quản lý danh mục đầu tư bằng phương pháp đa dạng hóa danh mục đầu tư thì sao? Họ ở đâu? Có lẽ họ đang loanh quanh ở mức trung bình của thị trường. Cũng có nhiều người kiếm được nhiều tiền nhưng không nhiều lắm, cũng có người người lỗ nhiều tiền nhưng không lỗ lắm. Đúng như những gì mà Warren Buffet & Geogre Soros quan niệm, họ là những kẻ tầm thường & nhút nhát.

            Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối,

            Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.(?!).

                                                                                                Xuân Diệu.

gakinhte.wordpress.com

[Đầu tư #2] Một vài suy nghĩ về vấn đề Ước tính dòng tiền trong hoạt động đầu tư.

            Dòng tiền – một trong những nhân tố quan trọng nhất quyết định đến hoạt động đầu tư. Ấy vậy mà người ta lại hay tập trung vào phân tích dòng tiền bằng các công thức, các chỉ tiêu tài chính… mà quên mất rằng, nếu ước tính dòng tiền không chính xác thì mọi công việc phân tích tiếp theo đều trở nên vô nghĩa.

            Ước tính dòng tiền là một công việc không hề đơn giản. Độ phức tạp của hoạt động ước tính này tùy thuộc vào mục đích ước tính & loại dự án được ước tính. Nếu mục đích ước tính là định giá doanh nghiệp, chắc chắn việc ước tính dòng tiền tương lai của doanh nghiệp là một nhiệm vụ khó khăn. Nếu mục đích ước tính là để lập dự án đầu tư thì mức độ phức tạp tùy thuộc vào loại dự án được lập. Nếu dự án đó là dự án đầu tư xây dựng công trình thì công việc ước tính thường mang nặng tính kỹ thuật, tính liệt kê cao do các khoản mục thường mang tính định lượng. Nhưng đối với các dự án kinh doanh khác, công việc ước tính ngày càng trở lên khó khăn do những khoản mục định tính ngày càng tăng dần khiến việc ước tính các khoản mục Doanh thu & Chi phí ngày càng phức tạp, sự biến động thất thường của thị trường & chu kỳ kinh doanh khiến việc ước tính rủi ro & tỷ lệ tăng trưởng không hề dễ dàng.

            Sự phức tạp này thể hiện ngay từ việc ước tính Tỷ suất chiết khấu. Tỷ suất chiết khấu thường được quan niệm cấu thành từ 3 nhân tố: chi phí cơ hội, mức độ rủi ro & tỷ suất sinh lời kỳ vọng. Tùy thuộc vào từng mục đích ước tính mà việc xác định Tỷ suất chiết khấu phù hợp là khác nhau.

            Đối với mục đích lập dự án đầu tư, tỷ suất chiết khấu thường được ước tính dựa trên chi phí cơ hội của việc sử dụng vốn. Điều này dựa trên quan niệm tiền có giá trị về mặt thời gian. Nếu hôm nay ta có 1 triệu đồng & ta gửi tiền vào ngân hàng (hình thức đầu tư rất ít rủi ro) với lãi suất 8%/năm thì ngày này năm sau, số tiền trong tài khoản của ta là: 1 x (1+0.08) = 1,08 triệu đồng. Nếu ta cứ để tiền ở ngân hàng với lãi suất đó thì một năm sau nữa, số tiền trong tài khoản của ta sẽ là: 1 x (1+0.08) x (1+0.08) = 1.1664 triệu đồng. Như vậy là tiền có giá trị về mặt thời gian. Việc xác định tỷ suất chiết khấu lúc này nhằm mục đích đưa dòng tiền tương lai ở các năm khác nhau về thời điểm hiện tại để loại bỏ ảnh hưởng của giá trị thời gian của tiền. Nếu dự án chỉ sử dụng vốn tự có, tỷ suất chiết khấu này được xác định bằng tỷ suất sinh lợi của cơ hội đầu tư ít rủi ro nhất, thường là lãi suất gửi ngân hàng hoặc lãi suất trái phiếu Chính phủ. Nếu dự án chỉ sử dụng vốn vay, tỷ suất chiết khấu này được xác định bằng lãi suất tiền vay. Thực tế thì các dự án thường sử dụng cả hai nguồn vốn này, lúc này, tỷ suất chiết khấu thường được xác định bằng phương pháp bình quân cộng gia quyền dựa trên tỷ trọng cơ cấu vốn. Lý do tỷ suất chiết khấu trong lập dự án đầu tư không được xác định dựa trên yếu tố rủi ro rất đơn giản, họ có một khoản mục Quỹ dự phòng rủi ro riêng.

            Đối với mục đích định giá đầu tư, việc ước tính tỷ suất chiết khấu lại có những sự khác biệt khá rõ. Cơ sở của ước tính lúc này là: mức độ rủi ro & tỷ suất sinh lời kỳ vọng. Chiết khấu rủi ro rõ ràng nhằm loại bỏ yếu tố rủi ro ra khỏi hoạt động ước tính dòng tiền. Ngoài việc khiến dòng tiền trở lên đồng nhất hơn, chiết khấu rủi ro có tác dụng như việc tính toán các chi phí của rủi ro vào dòng tiền, do dòng tiền ban đầu được xác định không bao hàm yếu tố rủi ro. Nếu ta coi rằng hoạt động định giá lúc này là phi rủi ro thì công việc ước tính tỷ suất chiết khấu lại dựa trên tỷ suất sinh lời kỳ vọng. Chẳng hạn, nếu ta lựa chọn mô hình định giá dựa trên vốn cổ phần thì giá trị vốn cổ phần được xác định bằng việc chiết khấu các dòng tiền kỳ vọng của vốn cổ phần tại múc chi phí vốn cổ phần. Mức chi phí vốn cổ phần này chính là tỷ suất chiết khấu. Mức chi phí vốn cổ phần này được tính bằng tỷ suất lợi nhuận mà các nhà đầu tư nắm giữ vốn cổ phần yêu cầu. Nếu ta lựa chọn mô hình định giá công ty, giá trị của công ty được xác định bằng cách chiết khấu dòng tiền kỳ vọng của công ty tại mức chi phí vốn bình quân gia quyền – đây chính là tỷ suất chiết khâu. Chi phí vốn lúc này là chi phí của các nguồn vốn khác nhau mà công ty sử dụng, được tính toán dựa trên tỷ trọng giá trị thị trường của từng nguồn.

            Ước tính rủi ro & ước tính tỷ lệ tăng trưởng cũng là công việc quan trọng & khó khăn để ước tính dòng tiền một cách chính xác.

            Ước tính rủi ro có 2 tác dụng. Một là phục vụ cho công tác xác định tỷ suất chiết khấu. Tỷ suất chiết khấu cần phải phản ánh đúng mức độ rủi ro của dòng tiền. Chẳng hạn, chi phí nợ vay phải được kết hợp với tỷ lệ dự phòng vỡ nợ (default spread), chí phí vốn phải bao gồm phần bù rủi ro (risk premium) của vốn cổ phần. Hai là giúp chủ đầu tư hiểu hơn về những nguy hiểm mà họ sẽ phải đối mặt trong tương lai.

            Công việc ước tính rủi ro, theo Damodaran, đối với vốn cổ phần, gồm 3 bước. Trong bước thứ nhất, rủi ro được định nghĩa theo thuật ngữ thống kê là những sai khác của tỷ suất lợi nhuận thực tế xung quanh tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng. Những sai khác này càng lớn thì mức độ rủi ro của khoản đầu tư càng cao. Bước thứ hai, bước quan trọng nhất, là phân loại rủi ro thành rủi ro có thể đa dạng hóa & rủi ro không thể đa dạng hóa. Bước thứ ba là xem xét sự khác biệt giữa các mô hình rủi ro & tỷ suất lợi nhuận trong việc đo lường rủi ro không thể đa dạng hóa. Trong bước này, chúng ta sẽ so sánh, chỉ ra & phân tích lý do của những khác biệt giữa các thước đo rủi ro của mô hình được sử dụng nhiều nhất – mô hình định giá tài sản vốn CAPM với các mô hình khác, cũng như những tác động của chúng đối với phần bù rủi ro vốn cổ phần.

            Ước tính tỷ lệ tăng trưởng cũng không đơn giản hơn ước tính rủi ro là bao, thậm chí còn phức tạp hơn nhiều do các yếu tố định tính xuất hiện rất nhiều. Ước tính tỷ lệ tăng trưởng là công việc bắt buộc phải làm để xác định chính xác Doanh thu & Lợi nhuận tương lai.

            Cũng theo Damodaran, ước tính tỷ lệ tăng trưởng có ba cách cơ bản. Người áp dụng phải lựa chọn cách thức phù hợp, linh hoạt & đôi khi cần kết hợp các cách với nhau để có được ước tính chuẩn xác nhất.

            Cách thứ nhất là nhìn lại tốc độ tăng thu nhập của công ty trong quá khứ – tỷ lệ tăng trưởng lịch sử. Dữ liệu này có thể hữu ích khi định giá các công ty ổn định, nhưng nếu sử dụng nó cho các công ty có tỷ lệ tăng trưởng cao thì chúng ta sẽ gặp phải nhiều hạn chế cũng như nguy hiểm. Tỷ lệ tăng trưởng lịch sử thường không thể ước lượng được, thậm chí nếu có thể thì nó cũng không phải là một con số đáng tin cậy để tính tỷ lệ tăng trưởng kỳ vọng trong tương lai.

            Cách thứ hai là sử dụng dữ liệu của các chuyên gia phân tích nghiên cứu vốn cổ phần, những người luôn dõi theo quá trình hoạt động của công ty để đưa ra một con số ước tính hợp lý cho tỷ lệ tăng trưởng của nó. Mặc dù nhiều công ty được giới phân tích theo sát nhưng chất lượng của các con số ước tính lại rất tệ, đặc biệt là trong khoảng thời gian dìa. Việc dựa vào những con số này để định giá cong ty có thể dẫn đến những kết quả sai lệch hoặc mâu thuẫn.

            Cách thứ ba là ước tính tỷ lệ tăng trưởng dựa trên các yếu tố cơ bản của công ty. Về cơ bản, sự tăng trưởng của một công ty được quyết định bởi mức độ tái đầu tư vào tài sản mới & chất lượng của những dự án đầu tư này. Ở đây, định nghĩa về hoạt động tái đầu tư được mở rộng, bao gồm cả những vụ mua lại các công ty khác, thiết lập các kênh phân phối hoặc thậm chí là mở rộng các năng lực marketing. Khi ước tính các dữ liệu đầu vào này tức là bạn đang ước tính tỷ lệ tăng trưởng cơ bản của công ty.

            Một yếu tố cơ bản nữa mà ta thường gặp khó khăn để ước tính chính xác dòng tiền là ước tính Giá trị còn lại. Nhiều người hay đánh đồng giá trị còn lại với giá trị thanh lý. Điều này xảy ra phổ biến trong công tác lập dự án đầu tư hơn là công tác định giá doanh nghiệp. Đối với một doanh nghiệp, giá trị còn lại thường bao gồm giá trị thanh lý & giá trị tài sản vô hình như: bằng sáng chế, bản quyền, phần mềm, bí mật thương mại, mối quan hệ với khách hàng., lợi thế về quy mô, lợi thế sản xuất… Giống như vậy, các dự án đầu tư cũng tạo ra các giá trị vô hình – tài sản vô hình. Việc không tính toán một cách đầy đủ & ước lượng một cách chính xác những giá trị vô hình này sẽ tạo ra hệ lụy xấu cho việc ước tính dòng tiền, dẫn đến những quyết định đầu tư không chính xác.

gakinhte.wordpress.com

[Đầu tư #1] 6 loại nhà đầu tư.

“Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”. Mọi bí quyết thành công được thâu gọn chỉ trong 8 chữ ngắn ngủi. Ấy vậy mà hiện thực hóa lời dạy của cổ nhân thật là khó quá.

Có khi thôi, ta không thực hiện được lời dạy của “cổ nhân” thì ta thực hiện theo lời dạy của “hiện nhân” vậy, có vẻ sẽ gần gũi hơn, thực tế hơn.

“Hiện nhân” của thời đại kim tiền ngày nay là ai nhỉ? Nhiều lắm. Nhưng có một người được coi là “nhà hiền triết”, đó là ngài Warren Buffet. Ngài ấy dạy gì? Cũng nhiều lắm. Nhưng mà khối người áp dụng những lời dạy ấy mà vẫn là nhà đầu tư “trượt vỏ chuối”. Tại sao? Vì họ chưa “biết mình” là ai.

Loanh quanh lại quay về lời dạy của cổ nhân.

Bài sưu tầm này sẽ trả lời cho một câu hỏi mà hẳn có rất nhiều người còn thắc mắc, rằng “mình là ai”.

Bài sưu tầm có tựa đề “6 loại nhà đầu tư”. Bài sưu tầm được trích từ chương 1, cuốn “Định giá đầu tư” của tác giả Damodaran do Nhà xuất bản Tài chính ấn hành. Đây cũng là bài viết mở đầu cho một loạt bài viết về chủ đề Định giá đầu tư, bao gồm các bài sưu tầm, những suy nghĩ, những phân tích của tác giả Blog gakinhte về chủ đề này. Tựa đề do tác giả Blog đặt.

6 loại nhà đầu tư

1. Các nhà phân tích cơ bản.

            Điểm chính trong phân tích cơ bản là giá trị thực của công ty có thể liên quan đến các đặc điểm tài chính – triển vọng tăng trưởng, mức độ rủi ro và dòng tiền. Mọi sai lệch so với giá trị thực đều là dấu hiệu cho thấy chứng khoán đang bị định giá quá thấp hoặc quá cao. Đây là một chiến lược đầu tư dài hạn với những giả định sau:

            + Có thể đo lường mối quan hệ giữa giá trị và các yếu tố tài chính cơ bản.

            + Mối quan hệ này ổn định qua thời gian.

         + Các sai lệch của mối quan hệ sẽ được điều chỉnh cho đúng trong một thời gian hợp lý.

            Định giá là trọng tâm của phân tích cơ bản. Một số nhà phân tích sử dụng mô hình dòng tiền chiết khấu để định giá công ty, trong khi số khác sử dụng các bội số của giá như P/E, P/B. Vì trong danh mục đầu tư của những người sử dụng phương pháp này có một số lượng lớn cổ phiếu bị định giá thấp hơn giá trị thực nên họ hy vọng rằng tính bình quân, những danh mục đầu tư này sẽ hoạt động tốt hơn so với thị trường.

2. Người mua nhượng quyền.

            Warren Buffet, nhà đầu tư thành công nhất trong lĩnh vực kinh doanh nhượng quyền (franchise) đã giải thích cho chúng ta một cách rõ ràng nhất về phương châm hoạt động của người mua nhượng quyền. Ông viết: “Chúng ta phải trung thành với những công ty mà mình tin rằng bản thân nắm chắc trong lòng bàn tay. Điều này có nghĩa là công ty đó phải tương đối đơn giản và ổn định về bản chất. Nếu một công ty phức tạp và phụ thuộc vào những thay đổi tức thời thì chúng ta sẽ không đủ nhanh nhạy để dự doán các dòng tiền tương lai của nó”. Người mua nhượng quyền chỉ tạp trung vào một vài công ty mà họ hiểu rất rõ và cố gắng mua những công ty được định giá thấp. Trong nhiều trường hợp, điển hình như trường hợp của Warren Buffet, người mua nhượng quyền áp đặt thế lực của mình lên bộ máy quản trị, từ đó làm thay đổi chính sách tài chính và đầu tư của công ty đó. Vì đây là chiến lược dài hạn nên những giả định chính sẽ là:

            + Nhà đầu tư nào hiểu rõ công ty mà họ định mua sẽ luôn có lợi thế để định giá công ty đó chính xác hơn.

            + Có thể mua lại các công ty bị định giá thấp mà không làm cho giá của nó bị đẩy lên cao hơn giá trị thực.

            Việc định giá giữ vai trò trọng yếu trong phương châm hoạt động này. Người mua nhượng quyền bị thu hút vào một công ty nào đó vì họ tin rằng nó bị định giá thấp hơn thực tế. Đồng thời, họ cũng quan tâm đến việc có thể tạo ra bao nhiêu giá trị tăng thêm khi tái cơ cấu và điều hành công ty đúng cách.

3. Chuyên viên phân tích biểu đồ.

            Các chuyên gia phân tích biểu đồ tin rằng tâm lý của nhà đầu tư cũng tác động đến giá cả ngang với các biến số tài chính cơ bản. Các thông tin có được từ hoạt động giao dịch – gồm sự thay đổi của giá cả, khối lượng giao dịch, các giao dịch bán khống (short sale)… – cho biết tâm lý của nhà đầu tư và xu hướng giá cả trong tương lai. Ở đây, chúng ta giả định các bước chuyển động của giá cả có thể dự đoán được, không có một số lượng đủ lớn các nhà đầu tư tiêu biểu lợi dụng đặc điểm này để loại trừ sự thay đổi của giá và các nhà đầu tư thị trường bị chi phối bởi cảm xúc nhiều hơn lý trí.

            Mặc dù trong phân tích biểu đồ, việc định giá không đóng vai trò quan trọng nhưng chuyên viên phân tích biểu đồ hoạt động của công ty vẫn áp dụng nó vào công việc của mình theo nhiều cách. Ví dụ, trên biểu đồ giá, họ có thể sử dụng mô hình định giá để chọn các đường nối liền các mức giá thấp nhất hay đường nối liền các mức giá cao nhất (support line hay resistance line).

4. Người kinh doanh dựa vào thông tin.

            Giá cả chuyển biến tùy heo các thông tin về công ty. Những nhà đầu tư dựa vào thông tin cố gắng thực hiện giao dịch trước khi có thông tin mới hoặc ngay sau khi thông tin xuất hiện trên thị trường tài chính. Họ mua vào khi có tin tốt và bán ra khi có tin xấu. Giả định cơ bản là họ có thể biết trước các thông tin và phán đoán phản ứng của thị trường đối với chúng tốt hơn đa phần các nhà đầu tư bình thường trên thị trường.

          Người kinh doanh dựa trên thông tin tập trung vào mối liên hệ giữa thông tin và sự thay đổi của giá trị hơn là vào giá trị của mỗi cổ phiếu. Vì vậy, họ có thể sẵn sàng mua cổ phiếu của một công ty đang được định giá cao hơn nhiều so với giá trị thực tế nếu tin rằng thông tin sắp được công bố tốt hơn kỳ vọng của thị trường và sẽ đẩy giá của cổ phiểu tăng lên. Nếu có mối liên hệ giữa việc công ty được định giá cao hơn hay thấp hơn bao nhiêu so với giá trị thực và phản ứng của giá cổ phiếu đối với thông tin mới như thế nào thì người kinh doanh dựa trên thông tin sẽ coi trọng hoạt động định giá trong các quyết định đầu tư của mình.

5. Người kinh doanh dựa vào bước đi của thị trường.

            Những người kinh doanh dựa vào bước đi của thị trường thấy rằng việc nương theo những quy luật quay vòng của thị trường sẽ đem lại cho họ khoản lợi lớn hơn rất nhiều so với việc chọn mua cổ phiếu. Theo họ, việc phán đoán xu thế thị trường dễ dàng hơn so với việc lựa chọn cổ phiếu, mặt khác, nó lại dựa trên các yếu tố có thể quan sát được. Trong chiến lược lựa chọn cổ phiếu dựa vào kết quả phán đoán trước những bước đi của thị trường (market timing), các nhà đầu tư dựa vào sự phán đoán bước đi của thị trường (market timer) có thể không định giá từng cổ phiếu riêng lẻ vì việc này chẳng ích lợi gì với họ. Thay vào đó, họ có thể chọn một trong hai cách sau:

            1. Định giá toàn bộ thị trường tổng thể rồi so sánh với mức hiện tại.

           2. Sử dụng mô hình định giá tất cả cổ phiếu, sau đó so sánh chéo các kết quả để xác định thị trường đang bị định giá quá thấp hay quá cao. Ví dụ, khi sử dụng mô hình triết khấu dòng cổ tức, nếu số cổ phiếu được định giá quá cao tăng lên so với số cổ phiểu được định giá quá thấp thì chúng ta có lý do để tin rằng thị trường đang bị định giá cao.

6. Chuyên gia thị trường hiệu quả.

            Chuyên gia thị trường hiệu quả tin rằng ở bất cứ thời điểm nào, giá thị trường cũng thể hiện chính xác nhất giá trị thực của công ty và mọi cố gắng nhằm khai thác tính hiệu quả được dự đoán trước của thị trường đều tốn kém hơn nhiều so với việc nỗ lực để tạo ra siêu lợi nhuận. Họ dựa trên một số giả định sau: thị trường có thể tập hợp thông tin một cách nhanh chóng và chính xác; các nhà đầu tư tiêu biểu nhanh chóng khai thác bất cứ điểm bất hiệu quả nào của thị trường; tất cả những điểm bất hiệu quả, chẳng hạn như phí giao dịch, đều bắt nguồn từ sự thiếu thống nhất  nhưng lại không thể bị loại trừ.

              Đối với chuyên gia thị trường hiệu quả, việc định giá là một công cụ hữu ích để xác định tại sao một cố phiếu được bán với mức giá đó. Do giả định cơ bản ở đây là giá thị trường phản ánh chính xác nhất giá trị thực của công ty nên mục tiêu của nhà phân tích không còn là đi tìm một công ty bị định giá thấp hoặc cao mà chuyển sang xác định xem mức giá của công ty đó dựa trên giả định nào về tăng trưởng và rủi ro.