Tag Archives: nhà đầu tư

[Đầu tư #1] 6 loại nhà đầu tư.

“Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”. Mọi bí quyết thành công được thâu gọn chỉ trong 8 chữ ngắn ngủi. Ấy vậy mà hiện thực hóa lời dạy của cổ nhân thật là khó quá.

Có khi thôi, ta không thực hiện được lời dạy của “cổ nhân” thì ta thực hiện theo lời dạy của “hiện nhân” vậy, có vẻ sẽ gần gũi hơn, thực tế hơn.

“Hiện nhân” của thời đại kim tiền ngày nay là ai nhỉ? Nhiều lắm. Nhưng có một người được coi là “nhà hiền triết”, đó là ngài Warren Buffet. Ngài ấy dạy gì? Cũng nhiều lắm. Nhưng mà khối người áp dụng những lời dạy ấy mà vẫn là nhà đầu tư “trượt vỏ chuối”. Tại sao? Vì họ chưa “biết mình” là ai.

Loanh quanh lại quay về lời dạy của cổ nhân.

Bài sưu tầm này sẽ trả lời cho một câu hỏi mà hẳn có rất nhiều người còn thắc mắc, rằng “mình là ai”.

Bài sưu tầm có tựa đề “6 loại nhà đầu tư”. Bài sưu tầm được trích từ chương 1, cuốn “Định giá đầu tư” của tác giả Damodaran do Nhà xuất bản Tài chính ấn hành. Đây cũng là bài viết mở đầu cho một loạt bài viết về chủ đề Định giá đầu tư, bao gồm các bài sưu tầm, những suy nghĩ, những phân tích của tác giả Blog gakinhte về chủ đề này. Tựa đề do tác giả Blog đặt.

6 loại nhà đầu tư

1. Các nhà phân tích cơ bản.

            Điểm chính trong phân tích cơ bản là giá trị thực của công ty có thể liên quan đến các đặc điểm tài chính – triển vọng tăng trưởng, mức độ rủi ro và dòng tiền. Mọi sai lệch so với giá trị thực đều là dấu hiệu cho thấy chứng khoán đang bị định giá quá thấp hoặc quá cao. Đây là một chiến lược đầu tư dài hạn với những giả định sau:

            + Có thể đo lường mối quan hệ giữa giá trị và các yếu tố tài chính cơ bản.

            + Mối quan hệ này ổn định qua thời gian.

         + Các sai lệch của mối quan hệ sẽ được điều chỉnh cho đúng trong một thời gian hợp lý.

            Định giá là trọng tâm của phân tích cơ bản. Một số nhà phân tích sử dụng mô hình dòng tiền chiết khấu để định giá công ty, trong khi số khác sử dụng các bội số của giá như P/E, P/B. Vì trong danh mục đầu tư của những người sử dụng phương pháp này có một số lượng lớn cổ phiếu bị định giá thấp hơn giá trị thực nên họ hy vọng rằng tính bình quân, những danh mục đầu tư này sẽ hoạt động tốt hơn so với thị trường.

2. Người mua nhượng quyền.

            Warren Buffet, nhà đầu tư thành công nhất trong lĩnh vực kinh doanh nhượng quyền (franchise) đã giải thích cho chúng ta một cách rõ ràng nhất về phương châm hoạt động của người mua nhượng quyền. Ông viết: “Chúng ta phải trung thành với những công ty mà mình tin rằng bản thân nắm chắc trong lòng bàn tay. Điều này có nghĩa là công ty đó phải tương đối đơn giản và ổn định về bản chất. Nếu một công ty phức tạp và phụ thuộc vào những thay đổi tức thời thì chúng ta sẽ không đủ nhanh nhạy để dự doán các dòng tiền tương lai của nó”. Người mua nhượng quyền chỉ tạp trung vào một vài công ty mà họ hiểu rất rõ và cố gắng mua những công ty được định giá thấp. Trong nhiều trường hợp, điển hình như trường hợp của Warren Buffet, người mua nhượng quyền áp đặt thế lực của mình lên bộ máy quản trị, từ đó làm thay đổi chính sách tài chính và đầu tư của công ty đó. Vì đây là chiến lược dài hạn nên những giả định chính sẽ là:

            + Nhà đầu tư nào hiểu rõ công ty mà họ định mua sẽ luôn có lợi thế để định giá công ty đó chính xác hơn.

            + Có thể mua lại các công ty bị định giá thấp mà không làm cho giá của nó bị đẩy lên cao hơn giá trị thực.

            Việc định giá giữ vai trò trọng yếu trong phương châm hoạt động này. Người mua nhượng quyền bị thu hút vào một công ty nào đó vì họ tin rằng nó bị định giá thấp hơn thực tế. Đồng thời, họ cũng quan tâm đến việc có thể tạo ra bao nhiêu giá trị tăng thêm khi tái cơ cấu và điều hành công ty đúng cách.

3. Chuyên viên phân tích biểu đồ.

            Các chuyên gia phân tích biểu đồ tin rằng tâm lý của nhà đầu tư cũng tác động đến giá cả ngang với các biến số tài chính cơ bản. Các thông tin có được từ hoạt động giao dịch – gồm sự thay đổi của giá cả, khối lượng giao dịch, các giao dịch bán khống (short sale)… – cho biết tâm lý của nhà đầu tư và xu hướng giá cả trong tương lai. Ở đây, chúng ta giả định các bước chuyển động của giá cả có thể dự đoán được, không có một số lượng đủ lớn các nhà đầu tư tiêu biểu lợi dụng đặc điểm này để loại trừ sự thay đổi của giá và các nhà đầu tư thị trường bị chi phối bởi cảm xúc nhiều hơn lý trí.

            Mặc dù trong phân tích biểu đồ, việc định giá không đóng vai trò quan trọng nhưng chuyên viên phân tích biểu đồ hoạt động của công ty vẫn áp dụng nó vào công việc của mình theo nhiều cách. Ví dụ, trên biểu đồ giá, họ có thể sử dụng mô hình định giá để chọn các đường nối liền các mức giá thấp nhất hay đường nối liền các mức giá cao nhất (support line hay resistance line).

4. Người kinh doanh dựa vào thông tin.

            Giá cả chuyển biến tùy heo các thông tin về công ty. Những nhà đầu tư dựa vào thông tin cố gắng thực hiện giao dịch trước khi có thông tin mới hoặc ngay sau khi thông tin xuất hiện trên thị trường tài chính. Họ mua vào khi có tin tốt và bán ra khi có tin xấu. Giả định cơ bản là họ có thể biết trước các thông tin và phán đoán phản ứng của thị trường đối với chúng tốt hơn đa phần các nhà đầu tư bình thường trên thị trường.

          Người kinh doanh dựa trên thông tin tập trung vào mối liên hệ giữa thông tin và sự thay đổi của giá trị hơn là vào giá trị của mỗi cổ phiếu. Vì vậy, họ có thể sẵn sàng mua cổ phiếu của một công ty đang được định giá cao hơn nhiều so với giá trị thực tế nếu tin rằng thông tin sắp được công bố tốt hơn kỳ vọng của thị trường và sẽ đẩy giá của cổ phiểu tăng lên. Nếu có mối liên hệ giữa việc công ty được định giá cao hơn hay thấp hơn bao nhiêu so với giá trị thực và phản ứng của giá cổ phiếu đối với thông tin mới như thế nào thì người kinh doanh dựa trên thông tin sẽ coi trọng hoạt động định giá trong các quyết định đầu tư của mình.

5. Người kinh doanh dựa vào bước đi của thị trường.

            Những người kinh doanh dựa vào bước đi của thị trường thấy rằng việc nương theo những quy luật quay vòng của thị trường sẽ đem lại cho họ khoản lợi lớn hơn rất nhiều so với việc chọn mua cổ phiếu. Theo họ, việc phán đoán xu thế thị trường dễ dàng hơn so với việc lựa chọn cổ phiếu, mặt khác, nó lại dựa trên các yếu tố có thể quan sát được. Trong chiến lược lựa chọn cổ phiếu dựa vào kết quả phán đoán trước những bước đi của thị trường (market timing), các nhà đầu tư dựa vào sự phán đoán bước đi của thị trường (market timer) có thể không định giá từng cổ phiếu riêng lẻ vì việc này chẳng ích lợi gì với họ. Thay vào đó, họ có thể chọn một trong hai cách sau:

            1. Định giá toàn bộ thị trường tổng thể rồi so sánh với mức hiện tại.

           2. Sử dụng mô hình định giá tất cả cổ phiếu, sau đó so sánh chéo các kết quả để xác định thị trường đang bị định giá quá thấp hay quá cao. Ví dụ, khi sử dụng mô hình triết khấu dòng cổ tức, nếu số cổ phiếu được định giá quá cao tăng lên so với số cổ phiểu được định giá quá thấp thì chúng ta có lý do để tin rằng thị trường đang bị định giá cao.

6. Chuyên gia thị trường hiệu quả.

            Chuyên gia thị trường hiệu quả tin rằng ở bất cứ thời điểm nào, giá thị trường cũng thể hiện chính xác nhất giá trị thực của công ty và mọi cố gắng nhằm khai thác tính hiệu quả được dự đoán trước của thị trường đều tốn kém hơn nhiều so với việc nỗ lực để tạo ra siêu lợi nhuận. Họ dựa trên một số giả định sau: thị trường có thể tập hợp thông tin một cách nhanh chóng và chính xác; các nhà đầu tư tiêu biểu nhanh chóng khai thác bất cứ điểm bất hiệu quả nào của thị trường; tất cả những điểm bất hiệu quả, chẳng hạn như phí giao dịch, đều bắt nguồn từ sự thiếu thống nhất  nhưng lại không thể bị loại trừ.

              Đối với chuyên gia thị trường hiệu quả, việc định giá là một công cụ hữu ích để xác định tại sao một cố phiếu được bán với mức giá đó. Do giả định cơ bản ở đây là giá thị trường phản ánh chính xác nhất giá trị thực của công ty nên mục tiêu của nhà phân tích không còn là đi tìm một công ty bị định giá thấp hoặc cao mà chuyển sang xác định xem mức giá của công ty đó dựa trên giả định nào về tăng trưởng và rủi ro.